PHÂN LOẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ

0 bình luận
Đăng bởi: Admin

Với diện tích rộng và hệ thống giáo dục lâu đời, Hoa Kỳ là quốc gia có số lượng trường Cao đẳng – Đại học khổng lồ. Và nếu không tìm hiểu kĩ hệ thống giáo dục tại đây, bạn có thể sẽ dễ dàng bị nhầm lẫn giữa các loại trường, đặc biệt về vấn đề học phí. Sau đây là những thông tin tổng quan về phân loại các trường Đại học Mỹ và đặc điểm của mỗi loại.

truong-dai-hoc-my

1/ Đại học Công lập

Đại học Công lập (State Universities) tại Mỹ là loại hình trường được đầu tư bởi các quỹ công thông qua các chính quyền tiểu bang. Các trường này thường là 1 phần của 1 hệ thống trường Đại học Nhà nước (tập hợp các trường Đại học công lập hoạt động riêng biệt, nằm tại các địa điểm khác nhau nhưng được quản lý chung). Ví dụ, Hệ thống trường Đại học New York (State University System of New York – SUNY) – một trong những hệ thống trường lớn nhất toàn bang bao gồm 60 cơ sở đào tạo nằm trải dài trên lãnh thổ bang New York.

Do nhận được nguồn tài chính từ ngân quỹ nhà nước, các trường Đại học Công lập thường có mức học phí thấp, mặc dù học phí của mỗi trường có sự chênh lệch khá cao (~ 16,000 – 30,000 USD/năm). Thông thường, học sinh quốc tế sẽ phải đóng mức học phí bằng học sinh ngoài tiểu bang, hoặc mức học phí riêng cao hơn so với sinh viên bản địa. Tuy nhiên, một số it trường Đại học Công lập có chính sách hỗ trợ sẽ cho phép sinh viên quốc tế đóng học bằng sinh viên bản địa hoặc chỉ cao hơn 1 chút.

2/ Cao đẳng Cộng đồng

Các trường Cao đẳng Cộng đồng (Community Colleges) cũng là loại trường nhận ngân sách từ chính phủ, tuy nhiên cung cấp chương trình học ở bậc thấp hơn so với các trường Đại học. Thông thường, loại hình trường này sẽ đào tạo sinh viên lấy bằng Associate hoặc bằng Cao đẳng trong vòng 2 năm. Chính bởi vậy, các trường Cao đẳng Cộng đồng còn được goi là “Cao đẳng 2 năm” (2-year-colleges), còn các trường Đại học được gọi là “4-year-colleges”.

Chương trình học Associate thường chú trọng hơn vào kiến thức thực tiễn, có thể giúp sinh viên đi làm ngay sau khi ra trường; đồng thời cũng được coi là chương trình dự bị để sinh viên chuyển tiếp học thêm 2 năm để lấp bằng Cử nhân tại các trường Đại học. Học phí của khối trường này thấp hơn rất nhiều so với các loại hình trường học khác. Mức học phí trung bình chỉ khoảng 10,000 – 16,000USD/năm.

Cũng như trường Đại học Công lập, các trường Cao đẳng Cộng đồng cũng có thể hợp lại thành một hệ thống. Ví dụ, Hệ thống Cao đẳng Cộng đồng California (California Community College System) quản lý tới hơn 100 trường cao đẳng trên khắp toàn bang.

3/ Đại học Tư thục phi lợi nhuận

Đại học Tư thục cũng đóng góp một số lượng trường không nhỏ tại Mỹ, và rất nhiều trong số đó lọt vào Top những trường danh giá nhất thế giới như MIT (Massachusetts Institute of Technology), Đại học Havard, Yale, Princeton, Stanford, Caltech, Cornell,… Các trường Đại học này được đầu tư với nguồn quỹ từ tư nhân và từ chính học phí của sinh viên. Chính bởi vây, học phí của trường cao hơn khá nhiều so với các trường Cao đẳng/ Đại học Công lập, có thể lên tới 40,000 – 60,000 USD/năm. Tuy nhiên, cũng chính nhờ đó mà các trường Tư thục có nguồn tài chính lớn để đầu tư vào chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên,…; đồng thời có nguồn quỹ học bổng lớn mang tới nhiều học bổng giá trị và chương trình hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên.

4/ Cao đẳng Nghệ thuật

Trường Cao đẳng Nghệ thuật (Liberal Arts Colleges) cũng là nhóm trường phổ biến tại Mỹ. Các trường này chủ yếu chỉ đào tạo tập trung vào nhóm ngành Nghệ thuật và Khoa học Ứng dụng ở bậc Đại học (chỉ một số ít trường có khả năng đào tạo bậc Thạc sĩ); đồng thời có quy mô nhỏ về cả số lượng tuyển sinh lẫn sĩ số lớp học.

Từ trước tới nay, các trường Cao đẳng Nghệ thuật đều nổi tiếng với việc tập trung vào công tác giảng dạy, sự phát triển của từng cá nhân và chương trình học mang tính học thuật hơn so với các trường đào tạo nghề. Đa phần các trường này đều là trường tư thục hoạt động phi lợi nhuận, chỉ có một số ít trường thuộc công lập, điển hình như Đại học Marry Washington.

5/ Đại học & Cao đẳng Tư thục vì lợi nhuận

Trong khi các trường Đại học Công lập và Tư thục phi lợi nhuận chiếm lĩnh bảng xếp hạng hàng đầu tại Mỹ cũng như trên thế giới, thì nhóm trường Đại học & Cao đẳng hoạt động vì lợi nhuận cũng đang ngày càng phát triển. Không giống những loại hình Đại học khác, các trường này hoạt động như một tổ chức kinh tế với mục tiêu tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông; tuy nhiên vẫn quan tâm tới chất lượng đào tạo.

Do đặt quan tâm về vấn đề tài chính, học phí của các trường này là cao nhất trong số toàn bộ các trường. Nhiều người đã lên tiếng yêu cầu chính phủ có những quy định nghiêm ngặt hơn về hoạt động của nhóm trường này; nhằm đảm bảo lợi ích thu về cho sinh viên và phụ huynh, xứng đáng với khoản “tiền đầu tư” họ bỏ ra cho chi phí học tập. Tuy vài năm gần đây, số lượng trường Đại học vì lợi nhuận này đã dần biết mất.

 

Trên đây là những nhóm trường Cao đẳng/ Đại học chính tại Mỹ mà các bạn sinh viên cần quan tâm tìm hiểu khi bắt đầu kế hoạch du học của mình. Chúc các bạn sớm tìm được ngôi trường phù hợp nhất với bản thân nhé.




Tin liên quan