NHỮNG SAI LẦM KHI HỌC TIẾNG ANH BẠN CẦN SỬA NGAY

0 bình luận
Đăng bởi: Admin

Bạn học tiếng Anh tới 10 năm, 15 năm nhưng vẫn chưa thể sử dụng tiếng Anh thành thạo? Thậm chí có bạn học 4 năm Đại học chuyên ngành Ngoại ngữ nhưng vẫn gặp khó khăn khi giao tiếp với người nước ngoài? Tại sao chúng ta học không có hiệu quả như vậy? Đó chính là bởi phương pháp học của bạn còn những sai lầm cần sửa đổi ngay như sau:

1/ Học tiếng Anh như người ‘câm’

Nghĩa là các bạn chỉ đọc ngữ pháp trong sách, đọc bài viết, đọc từ trong từ điển, làm các bài tập điền từ, viết câu,...một cách hoàn toàn câm lặng. Tai không mấy khi nghe tiếng Anh, miệng cũng không nói tiếng Anh nhiều cho lắm, nhưng tay thì làm hàng đống bài tập và chép hàng loạt từ mới vào cuốn sổ tay. Bạn tin rằng làm tốt các bài tập trên giấy nghĩa là mình giỏi tiếng Anh, nhưng thực tế không phải.

 

Hãy nhớ lại ngày bé khi học tiếng Việt, bạn sử dụng được ngay từ khi chưa biết viết là nhờ nghe hàng ngày, tập luyện hàng ngày và hiểu từng khái niệm để tự hiểu từ và ghép từ thành câu. Không cần ngữ pháp. Không cần học thuộc. Không cần làm bất cứ bài tập trên giấy nào cả. Vì thế, thay vì ngồi im cầm quyển sách, bạn hay chủ động nói ra những gì mình học, sử dụng tiếng Anh thực tế nhiều nhất có thể đi.

 

 

2/ Học từ vựng một cách đơn lẻ.

Thông thường, khi gặp từ mới, mọi người sẽ tra từ điển, viết vào một quyển sổ tay để học thuộc theo kiểu học ‘vẹt’. Nhưng các bạn có thật sự hiểu khái niệm của từ trong từng bối cảnh, có biết sự liên kết giữa các từ và các loại từ hay không? Bạn có biết một động từ có thể thêm những đuôi nào thì thành danh từ, hay một danh từ có thể đổi đuôi nào để biến thành tính từ? Từ 1 từ “look”, bạn có thể liên tưởng được nghĩa của “look for”, “look down on”, “look after”,...hay sẽ thỉnh thoảng ghi lại 1 từ rồi “học vẹt” từng thứ?

Viết tất cả các từ được nêu trong từ điển, bạn sẽ sớm bị ‘tẩu hỏa nhập ma’ và chắc chắn sẽ thấy từ vựng thật khó nhớ, thậm chí nghi ngờ về trí nhớ hay trí tuệ của mình. Thay vào đó, hãy tìm sự liên kết, tìm ra khái niệm của mỗi từ và từ phái sinh. Như vậy, thay vì học hàng ngàn từ rời rạc, bạn sẽ chỉ cần học vài trăm từ và tự ghi nhớ cách biến đổi của chúng. Như vậy có phải dễ dàng hơn không nào?

Phương pháp học từ vựng tốt hơn, bạn có thể xem tại đây.

 

3/ “Cao thủ” về ngữ pháp

Các bạn nghĩ rằng phải nắm chắc toàn bộ ngữ pháp tiếng Anh thì mới có thể nghe nói và giao tiếp? Và từ đó bạn học các cấu trúc ngữ pháp một cách vô cùng chăm chỉ, đợi khi nào học hết hay biết đúng hẳn ngữ pháp thì mới nói? Thế nhưng bạn lại không biết rằng, đề sử dụng tiếng Anh hàng ngày, bạn chỉ cần tới những ngữ pháp cơ bản mà thôi. Và thực tế, ngữ pháp chỉ là các quy luật hình thành câu, là chuỗi lời nói, âm thanh diễn đạt đủ một ý. Mà đã như vậy, làm sao bạn hiểu hết quy tắc và phản xạ được “chuỗi âm thanh” khi bạn không nói? Nó giống như bạn học mà không biết thực hành vậy.

Không những thế, bạn cũng chưa chắc đã nắm được những quy tắc đơn giản để hình thành từng cấu trúc ngữ pháp. Đơn cử như về Gerund và to + V-infinitive (động từ + V-ing hay động từ + to V), bạn có thể nhớ “avoid, delay, pretend, prevent, enjoy,...” sẽ theo sau bởi V-ing, hay “promise, want, advise, persuade,...” theo sau bởi to + V. Nhưng thật ra việc theo sau bởi V-ing hay to+V đều có nguyên tắc dựa trên tư duy thời gian, bạn hoàn toàn không cần nhớ từng trường hợp và từng từ như vậy.

Chính việc tập trung học ngữ pháp và làm bài tập quá nhiều dẫn bạn tới sai lầm được nói trong phần 1: học tiếng Anh câm; và cứ như thế khả năng giao tiếp và phản xạ nghe nói của bạn không được luyện tập và chẳng thể phát triển.

 

4/ Không để ý tới phát âm

Khi sử dụng tiếng Anh, kể cả bạn nói trôi chảy tới đâu, từ vựng phong phú tới mức nào nhưng phát âm của bạn sai, người nước ngoài họ cũng không thể hiểu. Cứ thử tưởng tượng trong tiếng Việt, bạn muốn nói “tôi muốn mua cam” mà lại phát âm sai thành “tôi muốn mua can”, chắc chắn người nghe sẽ hiểu nhầm phải không nào?

Thế nhưng mỗi khi học từ mới, bạn có tra thêm cách phát âm của từ đó? Bạn có biết tiếng Anh có bao nhiêu âm và cách phát âm mỗi âm đó như thế nào? Bạn có từng tìm hiểu bảng ký hiệu phiên âm quốc tế? Cũng chính bởi vậy mà việc phát âm của nhiều người học tiếng Anh không phát âm chuẩn; và các lỗi người Việt hay gặp nhất, đó là thiếu âm cuối (ending sounds), thêm ‘s’ vào các từ một cách tràn lan hay đoán phát âm theo cảm tính và tự cho nó là đúng.

 

5/ Học tùy hứng

Những cao thủ học tiếng Anh tùy hứng sẽ luôn đặt ra câu hỏi: làm thế nào để tìm thấy hứng thú học tiếng Anh? Và họ mải mê đi tìm hứng thú mà quên đi một sự thật là cảm hứng học tiếng Anh chân chính chỉ sinh ra trong chính quá trình học tập, còn nếu chỉ đi tìm hứng thú bên ngoài thì đó chỉ là những cảm hứng nhất thời và sẽ trôi qua nhanh. Kết quả là người học theo cảm hứng sẽ rất nhanh mất hứng.

Việc học tiếng Anh vì thế mà hay bị gián đoạn giống như dòng cảm hứng lúc có lúc không vậy. Kết quả là những cao thủ theo trường phái “tùy hứng” này không học theo một bài bản hay quy luật nào; ngày hôm nay học nhưng có thể tới 2 – 3 hôm sau 2 – 3 tuần sau hay thậm chí cả vài tháng sau mới lại có “hứng” học tiếp. Nhưng điều quan trọng là học ngôn ngữ không giống như những môn khác, nếu không chăm chỉ, không rèn luyện thường xuyên, chỉ cần bỏ bẵng 1 thời gian thì phản xạ và kĩ năng tiếng Anh của bạn sẽ theo đó rớt xuống mức ban đầu.

Nếu các bạn không thể có động lực để học liên tục, các bạn hãy tìm một ai đó học cùng, hoặc tham gia một lớp học tiếng Anh để được đào tạo và luyện tập bài bản hơn.




Tin liên quan